Trong thời đại mà các đô thị đang “nghẹt thở” vì bê tông và khói bụi, những người làm kiến trúc cảnh quan chính là “nghệ sĩ” của không gian sống.
Kiến trúc cảnh quan là gì và vì sao cần thiết?
Không chỉ tạo ra không gian đẹp, ngành này còn góp phần giải quyết các thách thức môi trường như biến đổi khí hậu, hiệu ứng đảo nhiệt, và suy giảm đa dạng sinh học. Thông qua các giải pháp như vườn mưa, mái nhà xanh, hành lang sinh thái và vùng đệm tự nhiên… kiến trúc cảnh quan đóng vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng thích ứng và phục hồi đô thị.
Khi cảnh quan trở thành “vấn đề chung”
Ở Việt Nam, những năm gần đây, cụm từ “thiết kế cảnh quan” đã xuất hiện nhiều hơn trong các dự án bất động sản, khu đô thị hay công viên, khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn xem nhẹ vai trò của cảnh quan, chỉ dừng lại ở việc trồng cây trang trí hay bố trí tiểu cảnh để quảng bá bán hàng, chứ chưa đặt yếu tố sinh thái và phát triển bền vững làm trọng tâm.
Nhiều khu đô thị được quy hoạch thiếu không gian xanh, cây trồng không phù hợp thổ nhưỡng, thiếu sự nghiên cứu về gió, nắng, nước... dẫn đến hệ quả là cư dân sống trong môi trường nóng bức, ngột ngạt, thiếu sinh khí. Ngược lại, những khu vực được chú trọng vào thiết kế cảnh quan,như Ecopark (Hưng Yên), Sala (Thủ Thiêm), Vinhomes Grand Park (TP.HCM)... cho thấy rõ hiệu quả về mặt môi trường sống và giá trị bất động sản.
Đào tạo kiến trúc sư cảnh quan – "Chiếc ghế còn trống" trong quy hoạch tổng thể
Việc thiếu vắng kiến trúc cảnh quan trong quy hoạch tổng thể đã làm mất đi cơ hội phát triển các hệ sinh thái xanh tích hợp, dẫn đến ô nhiễm không khí, quá tải hạ tầng và chất lượng sống suy giảm. Kiến trúc cảnh quan chính là “chiếc ghế còn trống” trong bức tranh quy hoạch đô thị Việt Nam hiện đại.
Trường đại học Kiến trúc Hà Nội là trường đầu tiên đào tạo Kiến trúc Cảnh quan từ năm 2014, kế thừa từ chương trình liên kết đào tạo Kiến trúc cảnh quan bằng tiếng Pháp với sự tài trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và sự hợp tác của khối các trường Đại học Kiến trúc của cộng hoà Pháp. Ngành học được hoàn thiện với mục tiêu là đào tạo Kiến trúc sư trong lĩnh vực cảnh quan, có đủ năng lực tiếp cận, nghiên cứu, phân tích và xây dựng phương án ứng xử với hệ sinh thái môi trường trong bối cảnh cảnh quan đương đại. Ngành Kiến trúc cảnh quan giúp cho người học có thể xây dựng chẩn đoán các vấn đề của đô thị, lập dự án triển khai, thiết kế hình thái không gian cảnh quan và theo dõi, từ quản lý tiến độ dự án cho đến khâu thiết kế đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các dự án trong điều kiện phát triển vượt bậc tại các đô thị Việt Nam.
Ngành Kiến trúc cảnh quan tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng liên ngành: từ thiết kế không gian mở, quy hoạch tổng thể, đến bảo tồn môi trường và kết nối cộng đồng. Sinh viên được thực hành các phần mềm chuyên dụng và phát triển năng lực làm việc nhóm, giao tiếp cộng đồng, quản lý dự án. Đây là ngành học không dễ, đòi hỏi tư duy tổng hợp, tầm nhìn dài hạn và kỹ năng thực hành phong phú.
Dù thực trạng còn nhiều khó khăn, nhưng chính sự phát triển nóng của các đô thị lại đang đẩy ngành Kiến trúc Cảnh quan trở thành “mảnh đất vàng” cho người làm nghề.
Ngành học của tương lai – Gắn kết giữa trách nhiệm và sáng tạo
Trong những năm gần đây, nhu cầu về nhân lực ngành Kiến trúc cảnh quan ngày càng tăng. Các dự án chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng xanh, xây dựng khu đô thị sinh thái, du lịch cộng đồng... đều cần sự tham gia của các chuyên gia được đào tạo bài bản. Ngành học này không chỉ mở ra nhiều cơ hội việc làm trong nước, mà còn có tiềm năng vươn ra thị trường quốc tế, nơi các đô thị đang ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và bản sắc địa phương.
Không chỉ trồng cây, họ còn “gieo ý tưởng” về một lối sống hài hòa, xanh – sạch – đẹp và nhân văn hơn.
Với xu hướng phát triển chung và nhu cầu tăng nhanh trong xã hội hiện đại, Kiến trúc sư Cảnh quan đã và đang tham gia sâu vào nhiều lĩnh vực nghề nghiệp:
Kiến trúc sư cảnh quan là nhân lực chủ chốt và trọng yếu trong nhiều công ty thiết kế kiến trúc – quy hoạch quốc tế và trong nước.
Kiến trúc sư cảnh quan là các chuyên gia hàng đầu tại các cơ quan nhà nước, quản lý về hoạt động xây dựng tại các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Nông nghiệp v.v..
Kiến trúc sư Cảnh quan tham gia trực tiếp vào các tổ chức quốc tế, NGO hoạt động trong lĩnh vực phát triển bền vững
Trong kỷ nguyên đô thị bền vững và thích ứng môi trường, kiến trúc cảnh quan không chỉ là một ngành học triển vọng, mà còn là lựa chọn mang tính trách nhiệm xã hội.