Đứng sau sự tiến bộ không ngừng của thế giới vật liệu xây dựng là một thế hệ những người trẻ đang ngày ngày nghiên cứu, thử nghiệm và cải tiến - âm thầm nhưng bền bỉ.
Tại ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, thuộc Khoa Xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, những nỗ lực đó không chỉ được ghi nhận qua kết quả học tập, mà còn thể hiện qua hàng loạt giải thưởng trong nghiên cứu khoa học, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, diễn đàn học thuật sinh viên - nơi mà sinh viên không chỉ học để biết, mà học để tạo ra cái mới.
Ngành học dành cho những người trẻ muốn “chạm tay vào công trình của tương lai”.
Vật liệu - chuyện tưởng cũ mà chưa bao giờ hết mới
Nếu có một ngành học vừa mang tính nền tảng cho công nghiệp xây dựng, vừa là nơi hội tụ của công nghệ, hóa học, môi trường và sáng tạo, thì đó chính là Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng. Sinh viên ngành không chỉ nghiên cứu xi măng, bê tông hay thép, mà còn theo đuổi các hướng vật liệu mới: bê tông tự phục hồi, vật liệu tái chế, vật liệu xanh giảm phát thải CO₂, thậm chí là các loại vật liệu thông minh dùng trong công trình hiện đại.
Giải thưởng không phải để trang trí, mà là kết quả của sự kiên trì
Trong những năm gần đây, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội liên tục gặt hái thành công tại các cuộc thi học thuật lớn nhỏ. Những giải thưởng ấy không đơn thuần là thành tích cá nhân, mà còn phản ánh cả một hệ thống đào tạo chú trọng nghiên cứu, sáng tạo và kết nối thực tiễn.
Một số cột mốc đáng nhớ: giải Nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp bộ với đề tài: “Nghiên cứu ảnh hưởng của tro bay nhiệt điện đến cường độ bê tông sử dụng cốt liệu tái chế”. Giải Nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp bộ với đề tài: “Nghiên cứu chế tạo cát nhân tạo từ tro xỉ nhiệt điện”.
Hơn 20 đề tài nghiên cứu sinh viên cấp trường và cấp khoa được nghiệm thu tốt, nhiều đề tài được chuyển giao cho doanh nghiệp địa phương hoặc ứng dụng trong đề tài cấp thành phố.
Các bài báo nghiên cứu khoa học của sinh viên được đăng trên Tạp chí Kiến trúc và Xây dựng, Tạp chí Vật liệu xây dựng Việt Nam...
Học cách nhìn vật liệu như một giải pháp cho xã hội
Ngoài các môn học chuyên ngành về công nghệ bê tông, gốm sứ, thuỷ tinh, chất kết dính vô cơ,... sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được tiếp cận các môn học như: bê tông nhẹ, bê tông siêu tính năng, vật liệu polyme - compozit, kiểm định vật liệu và công trình xây dựng, vật liệu trang trí hoàn thiện,...
Sinh viên luôn được tạo điều kiện tốt nhất để vận dụng kiến thức vào thực tế.
Điều thú vị là, thay vì chỉ học để thi, sinh viên tại Khoa Xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thường xuyên được khuyến khích dùng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tế như đề tài “Cải tạo lớp mặt đường cho khuôn viên ký túc xá bằng vật liệu nhẹ chống đọng nước”; thử nghiệm vật liệu xây dựng từ rác thải nông nghiệp; mô hình tường cách âm cho nhà ở đô thị với chi phí thấp,…
Từ thành công trong nghiên cứu khoa học sinh viên, đến việc sẵn sàng tham gia các dự án thực tế, thế hệ sinh viên ngành vật liệu hôm nay đang từng bước vững chắc để mai này trở thành những người kiến thiết tương lai.
Tự tin từ phòng thí nghiệm đến công trường và hội thảo quốc tế
Một trong những điểm mạnh của ngành là sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo - nghiên cứu - thực tiễn. Ngoài việc học tập và nghiên cứu, sinh viên còn được tạo điều kiện thực tập tại các nhà máy sản xuất xi măng, bê tông đúc sẵn, vật liệu xây dựng công nghệ cao; các trung tâm kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng; các viện nghiên cứu như Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện KHCN Xây dựng; các doanh nghiệp phát triển vật liệu xanh trong và ngoài nước.
Nhiều sinh viên sau khi thực tập đã được mời làm trợ lý nghiên cứu, cộng tác viên kỹ thuật, hoặc nhận học bổng tham gia các hội thảo khoa học quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chọn vật liệu - chọn ngành học vững chắc và triển vọng
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngành xây dựng đang dịch chuyển mạnh sang các tiêu chuẩn công trình xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Điều đó khiến cho nhu cầu nhân lực có hiểu biết sâu về vật liệu kỹ thuật ngày càng tăng - không chỉ ở trong nước mà cả các công ty đa quốc gia.
Ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng không lấp lánh như các ngành thời thượng, nhưng chính những người học ngành này đang đặt từng viên gạch thầm lặng cho sự phát triển đô thị bền vững. Không chỉ học cách hiểu vật liệu, mà người học sẽ học cách sáng tạo ra cái mới - từ phòng thí nghiệm đến đời sống.
Trường Thịnh - Báo điện tử Dân trí