Không gian đô thị đang chuyển mình và công trình ngầm trở thành giải pháp tất yếu
Khi quỹ đất bề mặt ngày càng khan hiếm, giao thông ngày càng quá tải, và hạ tầng kỹ thuật cần được “ẩn mình” để không phá vỡ cảnh quan, thì xu hướng phát triển công trình ngầm đô thị là lựa chọn chiến lược.
Từ các tuyến Metro ngầm tại Hà Nội, TPHCM, đến các trung tâm thương mại, bãi đỗ xe ngầm, hầm xuyên sông, cống hộp, đường ống kỹ thuật liên vùng... tất cả đều đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu, bài bản và bắt kịp công nghệ quốc tế.
Phối cảnh ga Bến Thành thể hiện được tầm quan trọng của ngành xây dựng công trình ngầm đô thị
Với thế mạnh đào tạo kỹ sư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, Khoa Xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã tiên phong phát triển chương trình đào tạo riêng biệt cho chuyên ngành xây dựng công trình ngầm đô thị, giúp sinh viên tiếp cận với các kiến thức chuyên sâu về kết cấu công trình ngầm đô thị, về địa hình kỹ thuật và về các vấn đề thi công trong điều kiện phức tạp, không gian hạn chế nhưng đòi hỏi độ chính xác, an toàn công trình.
Từ nền móng đến tòa nhà: Một hành trình xuyên suốt
Một điểm đặc biệt của chuyên ngành này là khả năng liên kết trực tiếp với các công trình dân dụng cao tầng. Trong các đô thị hiện đại, phần ngầm của một tòa nhà, bể chứa ngầm, bãi đỗ xe ngầm, hệ thống kỹ thuật ngầm đến liên kết với hạ tầng khu vực thường chiếm tới 30-50% khối lượng kỹ thuật và chi phí thi công. Điều đó có nghĩa là: để làm tốt công trình cao tầng, kỹ sư cần có hiểu kỹ về công trình ngầm.
Tại Khoa Xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, sinh viên được đào tạo đầy đủ từ nền móng - phần ngầm - phần thân - phần mái, từ thiết kế, thi công đến quản lý và bảo trì công trình. Điều này đặc biệt quan trọng khi làm việc trong các dự án tổng thầu EPC, các nhà thầu thi công phần móng - ngầm, hoặc làm việc với các chủ đầu tư phát triển dự án dân dụng - thương mại lớn tại đô thị.
Sinh viên luôn được tạo điều kiện tham quan và tham gia vào các dự án lớn
Liên kết doanh nghiệp, học đi đôi với hành
Không chỉ có nền tảng kiến thức vững chắc, chuyên ngành công trình ngầm đô thị còn nổi bật bởi mạng lưới hợp tác rộng rãi giữa khoa với các đối tác trong và ngoài nước như: Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Visicons, Công ty TNHH Kỹ Thuật Xây Dựng E-Power, Công ty Cổ phần Xây dựng Vilai Việt, Công ty Cổ phần Xây dựng Hợp Lực… Đây là những đơn vị đồng hành trong đào tạo và thực tập, cung cấp tình huống thực tế, công trình mẫu, hướng dẫn kỹ thuật.
Hợp tác với các dự án trọng điểm như Metro Hà Nội, Metro TPHCM, dự án thoát nước Hà Nội, giúp sinh viên tiếp cận công trình thực tế. Chương trình liên kết học thuật, trao đổi sinh viên với các trường đại học kỹ thuật lớn tại Nhật Bản, Nga, Đức... nơi đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật hầm và công trình ngầm.
Nhiều giảng viên là chuyên gia kỹ thuật tham gia các dự án xây dựng lớn, sẵn sàng hướng dẫn sinh viên từ khâu thiết kế, thi công, giám sát đến quản lý dự án xây dựng.
Cơ hội việc làm rộng mở, bền vững cùng đô thị phát triển
Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật xây dựng chuyên ngành công trình ngầm có lợi thế nổi bật khi ứng tuyển vào: các dự án metro, đường sắt đô thị, thoát nước ngầm, công trình hầm xuyên núi, xuyên sông; các dự án cao tầng có móng sâu, tầng hầm lớn; các doanh nghiệp thiết kế và thi công kết cấu ngầm, nền móng; các tổ chức tư vấn, kiểm định chất lượng công trình ngầm và công trình chịu tải đặc biệt; các dự án đầu tư hạ tầng khu đô thị mới, trung tâm thương mại, hạ tầng khu công nghiệp.
Kỹ sư có chuyên môn về công trình ngầm được săn đón tại nhiều quốc gia phát triển - nơi hệ thống hạ tầng đô thị đi vào chiều sâu như Nhật Bản, Singapore, Đức, Hàn Quốc, UAE... mở ra cơ hội làm việc quốc tế hoặc nhận học bổng cao học kỹ thuật ngầm và địa kỹ thuật.
Chuyên ngành xây dựng công trình ngầm đô thị mang tính thời đại, góp phần đưa đất nước phát triển
Ngành nghề của chiều sâu kiến thức và thực tiễn
Chuyên ngành công trình ngầm đô thị nói riêng, và ngành kỹ thuật xây dựng nói chung, không phải là ngành phổ biến, nhưng lại là ngành giữ vai trò nền móng cho cả quá trình phát triển của đô thị hiện đại. Những người học ngành này thường ít nói về mình, nhưng sản phẩm, những công trình vững chãi dưới lòng đất sẽ lặng lẽ tồn tại hàng chục, hàng trăm năm.
Tại khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, hành trình học không chỉ là lấy bằng kỹ sư mà đó còn là hành trình hiểu sâu - làm thật - kết nối với nhu cầu của xã hội hiện đại. Nơi đây không chỉ trao cho sinh viên kiến thức chuyên môn, mà còn nuôi dưỡng tinh thần dấn thân, khả năng chịu áp lực và năng lực làm việc trong những điều kiện kỹ thuật phức tạp đúng như bản chất của nghề xây dựng công trình ngầm.
Trường Thịnh - Báo điện tử Dân trí