Hội đồng gồm 07 thành viên do PGS.TS.KTS. Lê Quân làm Chủ tịch Hội đồng; GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông - Hội Kiến trúc sư Việt Nam (phản biện 1); PGS.TS.KTS. Nguyễn Vũ Phương - Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (phản biện 2); PGS.TS.KTS. Lương Tú Quyên - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (phản biện 3); TS.KTS. Vũ Đức Hoàng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (ủy viên thư ký); PGS.TS. Đỗ Tú Lan - Bộ Xây dựng (Ủy viên); PGS.TS. Trần Minh Tùng - Trường Đại học Xây dựng (ủy viên).
Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS. Nguyên Thị Như Trang trong suốt quá trình thực hiện đề tài và được các thành viên Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu học tập và những nỗ lực của NCS trong suốt thời gian qua.
Sau khi nghe nghiên cứu sinh trình bày tóm tắt luận án, Hội đồng đã nghe ý kiến của các phản biện, ủy viên, các thành viên Hội đồng nhận xét, đặt câu hỏi cho NCS, bản tổng hợp ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về bản tóm tắt và toàn văn luận án. Hội đồng đã tiến hành đánh giá luận án như sau:
Đà Lạt là một trong những đô thị hiếm hoi của nước ta được phát triển từ vùng đất “thiên nhiên ban sơ”. Dù tuổi đời chỉ khoảng 130 năm nhưng Đà Lạt có những dấu ấn riêng, khác biệt với các đô thị khác. Từ quy hoạch đô thị được thực hiện từ đầu một cách bài bản, di sản kiến trúc và kiến trúc cảnh quan thời Pháp thuộc phong phú, cũng như quá trình hình thành mô hình định cư của đô thị Đà Lạt. Trải qua quá trình đô thị hóa và phát triển nóng, Đà Lạt đang mất dần hình ảnh và thương hiệu “thành phố sinh thái”, “thành phố trong rừng”. Với quan điểm nhận diện giá trị kiến trúc cảnh quan thời Pháp thuộc trong tiến trình phát triển của Đà Lạt để từ đó có các giải pháp phát huy những giá trị đó trong không gian kiến trúc đô thị Đà Lạt đương đại là cần thiết và có tính thực tiễn.
Luận án đã có những đóng góp thiết thực vào việc nghiên cứu về xây dựng tiêu chí đánh giá các giá trị kiến trúc cảnh quan đô thị Đà Lạt thời Pháp thuộc, cũng như việc các giá trị kiến trúc cảnh quan Đà Lạt thời Pháp thuộc được nhận diện, đúc kết và công bố sẽ góp phần bổ sung vào hệ thống lý luận chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc các đô thị du lịch, nghỉ dưỡng miền núi ở nước ta. Kết quả nghiên cứu là tài liệu có giá trị tham khảo hữu ích cho công tác tư vấn thiết kế Quy hoạch, Kiến trúc, và quản lý đô thị Đà Lạt cũng như cho các đô thị có tính chất nghỉ dưỡng tương tự.
PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Nhà trường tặng hoa chúc mừng NCS. Nguyên Như Trang cùng người hướng dẫn khoa học PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật
Phát biểu tại buổi bảo vệ của NCS Nguyên Thị Như Trang, PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đồng thời cũng là người hướng dẫn khoa học của NCS đánh giá cao tinh thần nghiên cứu, học hỏi, cầu thị của NCS trên một chặng đường dài học tập và nghiên cứu. NCS có một thời gian dài nghiên cứu các lĩnh vực liên quan về bảo tồn kiến trúc, lịch sử đô thị, kiến trúc cảnh quan và có nhiều công bố khoa học liên quan đến đề tài luận án. Bản thân đề tài của luận án là một công trình khoa học liên quan đến nhiều lĩnh vực với yêu cầu về điều tra, khảo sát công phu, đòi hỏi thời gian tổng hợp, phân tích, đối chiếu và xử lý các dữ liệu rất lớn.
Với những kết quả mà NCS đã trình bày tại buổi bảo vệ cũng như căn cứ kết quả, những ý kiến của các thầy cô, các nhà khoa học trong hội đồng, đặc biệt là các thầy cô phản biện, PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật hy vọng đây sẽ là kết quả nghiên cứu bước đầu và sẽ được áp dụng một phần nào đó trong thực tiễn Đà Lạt cũng như đối với các đô thị khác.
PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật cho biết, với nhận xét của Hội đồng, chúng tôi sẽ cùng NCS tiếp tục có những nghiên cứu trong thời gian tới để sau đó điều chỉnh, bổ sung cho luận án được hoàn thiện hơn nữa.
Thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường, PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn tới các thành viên trong hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp Trường của NCS Nguyên Thị Như Trang đã làm việc hết sức tích cực, công tâm, chi tiết và có trách nhiệm. Hội đồng đã chỉ ra rất rõ những ưu nhược điểm của Luận án. Lãnh đạo Nhà trường mong muốn PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật - Giáo viên hướng dẫn khoa học của NCS sẽ hỗ trợ NCS trong việc chỉnh sửa các công đoạn cuối cùng trước khi chuyển nộp luận án đến Thư viện Quốc gia, hoàn thiện các thủ tục cuối cùng báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo đủ các điều kiện cấp bàng Tiến sĩ cho NCS.
Lễ bảo vệ diễn ra trong không khí khoa học nghiêm túc và theo đúng các quy định về đào tạo trình độ Tiến sĩ. NCS đã trình bày các kết quả nghiên cứu chính của luận án và trả lời tốt những câu hỏi của Hội đồng. Hội đồng kết luận NCS Nguyên Thị Như Trang xứng đáng nhận học vị Tiến sĩ Kiến trúc với 7/7 phiếu thông qua.
Bạn đọc quan tâm có thể tìm kiếm toàn văn luận án tại Thư viện Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Thư viện Quốc gia.