Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật và Môi trường, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kiến trúc, Xây dựng; PGS.TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam; PGS.TS. Đặng Quốc Vương - Giám đốc Trung tâm đào tạo thực hành kỹ thuật điện, Trường Điện - Điện từ, Đại học Bách Khoa Hà Nội; TS. Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và các khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên URENCO.
Dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, các Viện nghiên cứu, các Hiệp hội, các Trường Đại học: Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Tài Nguyên và Môi trường cùng đại diện các tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Về phía lãnh đạo Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có PGS.TS.KTS. Lê Quân - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật - Phó Bí thư Đảng ủy Chủ tịch Hội đồng Trường, TS.KTS. Ngô Thị Kim Dung - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Lê Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng; các thầy giáo, cô giáo, các chuyên gia và các nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường đô thị…
PGS.TS.KTS. Lê Quân - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Trong xu hướng phát triển đô thị theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời gắn với hội nhập quốc tế, tăng cường các hoạt động nghiên cứu gắn với thực tiễn và ứng dụng trong đào tạo đáp ứng nhu cầu chung của xã hội, Hội thảo khoa học “Phát triển hạ tầng đô thị xanh thông minh” là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, kiến trúc sư, kỹ sư và các chuyên viên trong ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị, Quy hoạch, Quản lý xây dựng và công nghệ thông tin chia sẻ kiến thức kết quả nghiên cứu về các giải pháp phù hợp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.KTS. Lê Quân - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị là một trong những Khoa đầu tiên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (cùng với Khoa Kiến trúc) được hình thành và phát triển từ ngày 17/9/1969. Đến nay, qua 55 năm xây dựng và phát triển, Khoa đã có bước phát triển rất mạnh mẽ, là một trong những đơn vị cung cấp lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật cho ngành.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị có rất nhiều sự đổi mới, cập nhật để hướng tới một chương trình đào tạo cũng như một hệ thống chương trình nghiên cứu khoa học có tính đương đại, có khả năng tiếp cận đối với những vấn đề của thực tại ngày nay như vấn đề phát triển đô thị, phát triển dân số, các vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển bền vững của Việt Nam và tất cả các yếu tố thách thức trong thời gian qua như bão, lũ lụt…
Lãnh đạo Nhà trường cũng bày tỏ hy vọng những ý kiến đưa ra tại hội thảo sẽ là tiếng nói đóng góp cho đô thị Hà Nội nói riêng và cho các đô thị của Việt Nam nói chung vượt qua được những thách thức của biến đổi khí hậu cũng như sự thách thức của phát triển đô thị trong tương lai. Đây cũng là điểm nhấn rất quan trọng giúp Khoa và Nhà trường có được những ý kiến, những trao đổi, trên cơ sở đó phát triển các hệ thống chuyên ngành; đồng thời, có những tiến trình phát triển cho công tác nghiên cứu khoa học ngày càng phát triển, kết nối giữa Nhà trường và các đơn vị, các nhà khoa học trong và ngoài Trường.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia trình bày nhiều tham luận xoay quanh các chủ đề như: Thực trạng và định hướng nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư đô thị tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường đô thị theo hướng hạ tầng xanh; Đáp ứng nhu cầu nước sạch: Nhìn từ thị trường máy lọc nước; Phát triển kết cấu hạ tầng xanh tại các khu công nghiệp hướng tới mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050; Giải pháp quan trắc chất lượng nước thông minh trên mạng lưới nước sạch; Giải pháp BIM thiết kế hạ tầng giao thông; Ứng dụng chuyển đổi số cho khảo sát đo đạc và thu thập, quản lý CSDL hạ tầng đô thị thông minh; Nền tảng công nghệ định hình các tòa nhà, đô thị ESG tương lai…
Thông qua Hội thảo, nhiều cơ hội và các hướng nghiên cứu đã được mở ra góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo kỹ sư đô thị cũng như phục vụ việc ứng dụng công nghệ vào thực tiễn ngày một mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.