Tham dự workshop có ngài Dominique Laffly - Tùy viên Hợp tác Khoa học và Đại học - Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ngài Franck Bichindaritz - Chuyên gia Vụ Bảo tàng Pháp - Bộ Văn hoá Pháp; GS. Alexandre Moisset - Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Cảnh quan Quốc gia Bordeaux; TS.KTS. Nguyễn Thái Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Workshop còn có sự tham gia của 15 sinh viên và 05 giảng viên đến từ các Trường: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Kiến trúc Quốc gia Toulouse, Đại học Kiến trúc Cảnh quan Quốc gia Bordeaux, Đại học Kiến trúc Quốc gia Normandie.
Các cơ quan và đơn vị tham gia bao gồm: UBND Thành phố Hội An, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, UBND Xã Tân Hiệp và các ban ngành liên quan.
Theo TS.KTS. Nguyễn Thái Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Cù Lao Chàm là cụm các đảo trực thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An. Cù Lao Chàm ngoài được thiên nhiên ban tặng các bãi biển trong xanh, quyến rũ với gần 950 loại hệ sinh thái biển đã được bảo tồn đã được UNESCO công nhận, nơi đây còn tồn tại một hệ thống rừng và văn hoá giàu bản sắc.
Thông qua dự án “Hỗ trợ mạng lưới các khu bảo tồn biển Việt Nam” của Cơ quan phát triển Quốc tế Đan Mạch DANIDA, Trung tâm truyền thông Bảo tồn biển Cù Lao Chàm được xây dựng từ năm 2005-2006, là môt điểm đến tham quan học tập và truyền thông giáo dục môi trường cho cộng đồng và khách du lịch khi đến thăm Cù Lao Chàm.
Hiện nay, do công trình trung tâm cũ bị xuống cấp không còn đám ứng được nhu cầu tham quan và học tập cho cộng đồng và du khách làm ảnh hưởng đến nhu cầu truyền thông về công tác bảo tồn thiên nhiên. Do vậy, cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã triển khai cuộc thi thiết kế và có kế hoạch triển khai xây dựng trong thời gian sắp tới.
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp kết hợp với Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, mục tiêu tiếp nối phương án thiết kế mới của “Trung tâm Truyền thông và giáo dục môi trường” để đưa ra một sự mở rộng hơn không chỉ trong khuôn viên của Trung tâm, mà để nâng tầm Trung tâm trở thành một đầu mối (chìa khoá để khám phá lãnh thổ trong khu bảo tồn thiên nhiên hơn là một bảo tàng về các bộ sưu tập) trong hệ thống các không gian bảo tồn sinh vật biển, đạ dạng sinh thái rừng cũng như hệ thống các không gian cảnh quan và du lịch. Là cơ sở để phát triển khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên, làm nổi bật phần rừng và rừng ngập mặn của đảo. Đồng thời là nơi giới thiệu lịch sử và sự phát triển của hòn đảo, cũng như các nền văn hoá khác nhau đã kế tục trên lãnh thổ này (Sa Huỳnh, Chăm, Việt) nhằm mục đích nâng cao hiểu biết của người dân về Bảo tồn biển cũng như nhận biết được những giá trị nội lực của các không gian trên đảo để đưa ra những chiến lược phát triển lâu dài và bền vững hơn. Đồng thời năng cao khả năng thu hút và giới thiệu cho bạn bè Quốc tế về giá trị bản địa.
Workshop với sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên, sinh viên Việt Nam và Pháp, chuyên ngành Kiến trúc của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cùng các Trường Đại học Kiến trúc (và Cảnh quan) Quốc gia Pháp thuộc chương trình đào tạo Cử nhân Kiến trúc Pháp (DEEA) sẽ đóng góp các ý tưởng giúp nhìn nhận lại một cách tổng thể về tiềm năng của hệ thống các không gian bảo tồn cũng như các không gian cây xanh và mặt nước công cộng và những giá trị văn hoá bản sắc của Cù Lao Chàm nhằm nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn. Với tiếp cận thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, Workshop cũng góp phần tăng cường giao lưu chuyên môn và văn hoá, chia sẻ kinh nghiệm và củng cố hợp tác quốc tế giữa các đối tác địa phương với các chuyên gia ở Hà Nội và Cộng hoà Pháp.
Chương trình triển khai workshop:
● Triển lãm Ảnh về Bản sắc cảnh quan Cù Lao Chàm;
● Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Thiết kế kiến trúc, cảnh quan trong khu vực bảo tồn thiên nhiên ” với sự tham gia của khách mời từ các Sở, Ban, Ngành và Chính quyền Quảng Nam, Đại sứ quán Pháp và các đối tác trong và ngoài nước.