KTS Lê Hiệp
Vũ Hiệp: Thưa bác, nói về sự nghiệp kiến trúc của KTS Lê Hiệp, chắc chắn không thể không nói đến Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn, công trình bắt đầu đưa tài năng của bác ra “ánh sáng”. Năm ấy KTS Lê Hiệp cũng đã ngoài 50 tuổi rồi nhỉ! Trước đó, bác làm những công việc gì ạ?
KTS Lê Hiệp: Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, tôi được giữ lại làm giảng viên ở trường. Ngoài giờ dạy thì cũng kiếm những việc nho nhỏ để vừa làm nghề kiếm thêm thu nhập và cũng tạo điều kiện cho sinh viên cùng tham gia thực tế với thầy. Khi đơn vị bên ngoài đến trường mượn người đi giảng dạy hoặc triển khai thiết kế, tôi đều được lựa chọn cử “đi sứ”. Nói chung là “vạ vật” khắp nơi. Những đợt ra ngoài trường làm việc khiến mình có nhiều kinh nghiệm thực tế. Vì thế, khi làm nội thất Bảo tàng Hồ Chí Minh giúp Viện Tu bổ di tích của anh Hoàng Đạo Kính, gặp những khó khăn về kỹ thuật, tôi đều có “mẹo” xử lý được. Thời gian đấy có cái thích là mình được mời sang Liên Xô giúp họ triển khai chi tiết. Dù tiếng Nga không tốt, nhưng trình bày giải pháp bằng cách vẽ ra giấy thì họ hiểu ngay. Người làm nghề thì cách nói chuyện tốt nhất với nhau là bằng bản vẽ. Các ông lý luận – phê bình nói nhiều mà ít khi trúng ý của người thiết kế.
Vũ Hiệp: Thực ra, việc của người lý luận – phê bình không phải đi dò tìm xem ý tứ của người thiết kế như thế nào mà phải cổ vũ cái tốt, phản biện cái chưa tốt, xa hơn là tìm ra cách đọc, cách hiểu khác đối với tác phẩm. Do đó, nếu nhà phê bình hiểu không chính xác ý của người thiết kế cũng là bình thường mà bác. Vậy trong công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn, các nhà phê bình cũng “hiểu sai” ý tưởng của bác ạ?
KTS Lê Hiệp: Họ gán ghép công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn vào các trường phái, phong cách nọ kia. Tôi rất dị ứng với tư duy kiểu chủ nghĩa hoặc chạy theo các khái niệm đương đại. Ý tưởng ở đây rất đơn giản: tôi muốn tạo ra một miếu thờ cho các liệt sĩ. Các tướng lĩnh được thờ trong đền, còn nhân dân, chúng sinh được thờ ở miếu. Một cái gì đó rất dân dã nhưng cô đọng.
Cái miếu này không phải bằng cách xây lên hoặc đắp vào mà là khoét thủng. Một số phụ liệu đi kèm cũng là những gì người Việt thường dùng để tưởng nhớ người đã khuất: hoa lá, cỏ cây, mây trời, hương khói,… một thứ điêu khắc không rõ chủ đề, không là cái gì, con gì hoặc ai đó. Tất cả chỉ có thế thôi.
Vũ Hiệp: Bác có thể kể cho độc giả biết về quá trình ra đời của Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn, mà không ít người cho rằng đó là “thiên định”?
KTS Lê Hiệp: Năm 1992, khi tôi đang làm thêm cùng mấy cậu học trò ở nhà thì một nhà điêu khắc đến nhờ vẽ giúp phần kiến trúc cho một phương án dự thi. Hỏi ra thì đó là cuộc thi thiết kế Đài tưởng niệm liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, ở quảng trường Ba Đình. Sau khi làm xong cho nhà điêu khắc ấy thì tôi ngồi nghỉ, tiện tay cầm bút hí hoáy lên tờ giấy ca-rô theo ý tưởng vừa xuất hiện, một khối âm hình ngôi miếu trong khối hộp đặc. Mấy cậu học trò nhìn thấy reo lên “A! Hay quá thầy ơi! Cái này mà đem đi dự thi, không đạt giải mới lạ”. Thế là mấy thầy trò lập tức triển khai vẽ và làm mô hình. Nhưng lúc đó đã hết thời hạn đăng ký dự thi. Tôi gọi điện cho anh Trình, hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, xin nhà trường đề nghị ban tổ chức cuộc thi cho trường được tham gia thêm một phương án nữa của tôi, ngoài phương án mà trường đã duyệt. Anh Trình đồng ý và thuyết phục thành công ban tổ chức. Thế là ngày nộp bài thi cũng là ngày mua hồ sơ tham dự theo đúng quy định.
Phương án mà tôi đưa ra đã giải quyết được 2 yêu cầu của đề bài mà ban tổ chức đưa ra: thứ nhất, tưởng nhớ vong linh người đã khuất, thể hiện ở cái miếu rỗng – rỗng là thứ không nhìn thấy nhưng có thể cảm thấy; thứ hai, hướng tới tương lai, thể hiện ở bậc nhị cấp, tức là sự không hoàn chỉnh của tam cấp – chỉ có sự không hoàn chỉnh mới đi được tiếp. Mặt vát dát vàng có những tia sáng tỏa ra/hội tụ, vừa như là sự phát triển của dương thế, vừa như là nơi trở về cho các vong linh. Khi xét bối cảnh không gian kiến trúc xung quanh, công trình cũng cho thấy sự hòa nhập bằng khối tích vừa phải, hình thức hô ứng với Lăng Bác.
Đài tưởng niệm Bắc Sơn
Ít lâu sau, có thư thông báo về nhà là phương án của tôi đạt giải nhì. Giải nhất là phương án còn lại của trường. Mấy thầy trò cũng tiếc lắm, bởi chúng tôi nghĩ rằng mình thua bởi yếu tố ngoài chuyên môn.
Nhưng trời định thế nào mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi tham dự buổi triển lãm kết quả cuộc thi lại chọn phương án giải nhì của tôi để triển khai xây dựng. Tất cả đều ngỡ ngàng. Chúng ta thường không thích sự can thiệp của chính trị gia vào kiến trúc, nhưng đôi khi sự can thiệp ấy lại đúng đắn và quan trọng khi nó thật sự trong sáng.
Vũ Hiệp: Sau này cụ Võ Văn Kiệt có giải thích vì sao lại chọn phương án của bác không?
KTS Lê Hiệp: Khoảng 6 – 7 năm sau khi công trình được xây dựng, tôi mới được dịp trò chuyện với ông Sáu Dân. Ngồi với cố Thủ tướng cả buổi chiều tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn, tôi giải thích cho ông ý tưởng kiến trúc của mình.
Nghe xong, ông nói: “Khi lựa chọn nó ta đâu đã quen biết gì nhau? Cái mô hình bé nhỏ đó đã cuốn hút mình, đã thuyết phục mình bằng chính những điều Hiệp nói hôm nay. Thôi, bây giờ thế này, ta chia đôi phần trách nhiệm cùng nhau, có ai khen ta cùng hưởng và ai chê thì ta cùng chịu”.
Vũ Hiệp: Cháu nghe nói, trước khi đưa ra lựa chọn chính thức phương án nào được xây dựng, ban tổ chức cuộc thi đã mang những phương án đạt giải cao đi tham khảo ý kiến của các KTS lão thành khắp đất nước. Bác có biết chuyện đó không ạ?
KTS Lê Hiệp: Tôi được nghe kể lại rằng, khi mang các đồ án vào TP Hồ Chí Minh, ban tổ chức có mời KTS Ngô Viết Thụ đến xem nhưng ông từ chối vì lý do sức khỏe. Người ta mang các đồ án đến nhà riêng thì ông có nói đại ý: “Nếu các anh chọn phương án giải nhất thì tôi không có gì để nói. Còn nếu các anh chọn phương án này (ông chỉ vào phương án của tôi), thì đấy là nơi có thể thắp hương”. Có lẽ, nhận xét của KTS Ngô Viết Thụ đã ảnh hưởng nhất định đến ban tổ chức.
Vũ Hiệp: Sau khi phương án của bác được lựa chọn, việc xây dựng có gặp nhiều khó khăn không ạ?
KTS Lê Hiệp: Cho đến tận bây giờ, Đài tưởng niệm Bắc Sơn vẫn là cuộc lao động nhọc nhằn nhất mà tôi đã trải qua. Việc thì lớn, nhiều loại việc mà tôi và anh em cộng sự lúc đó đều chưa từng làm. Nhưng tất cả đều không đáng ngại bằng một hội đồng với sự hiện diện của bốn Thứ trưởng cùng toàn thể hai đoàn Chủ tịch của hai hội chuyên ngành và một ông Trưởng ban quản lý ngoài lĩnh vực kiến trúc. Nhưng cũng từ đây tôi biết thêm được rất nhiều điều: biết bảo thủ, biết lì lợm, biết im lặng, biết xin phép rút lui và khó hơn cả là biết chịu thiệt để cố giữ cho công trình được trọn vẹn như mình hằng mong ước.
Ngay cả khi công trình được hoàn thành từ lựa chọn của Thủ tướng thì vẫn vấp phải những luồng dư luận trái chiều ngay cả trong những quan chức cấp cao. Người ta bóng gió gọi bằng những cái tên mỉa mai: cái lô cốt, cái ghế đẩu…
Vũ Hiệp: Bác đã thiết kế các đài tưởng niệm ở mọi miền của đất nước, từ Hà Nội, Tuyên Quang, Móng Cái, Bắc Ninh, cho đến Phú Yên, Vĩnh Long… Vậy đặc điểm văn hóa của địa phương có ảnh hưởng đến thiết kế của bác?
KTS Lê Hiệp: Mỗi vùng đất đều có những dấu hiệu văn hóa bản địa; để chắt lọc được tính bản sắc đặc trưng, người sáng tác phải có thái độ trân trọng tìm hiểu vùng đất đó. Hình tượng nghệ thuật của công trình kiến trúc phải mang bản sắc nơi đặt nó. Ví dụ ý tưởng kiến trúc của Đài tưởng niệm tỉnh Tuyên Quang, thủ đô kháng chiến gắn liền với những huyền thoại về cây đa Tân Trào. Tượng đài là hình ảnh của một sự vươn lên mạnh mẽ, bùng cháy dữ dội và hối hả lan tỏa được mô tả bằng ngôn ngữ của kiến trúc. Không phải cây, mà chỉ là sự khơi gợi về cây, mà vẫn cây. Không phải đuốc, mà chỉ là sự liên tưởng về đuốc, mà vẫn đuốc. Nó gợi lên một khí thế cuồn cuộn dâng trào. Rộn ràng và trùng điệp. Không có người gục ngã. Không có ai cầm súng hay cầm kiếm xông lên. Cũng không có cả một đoàn người rầm rập chen vai thích cánh. Chỉ cảm tưởng của một sự bùng phát, kết đoàn, thăng hoa và chiến thắng. Cứ hư hư, thực thực.
Ở đài tưởng niệm Núi Nhạn, một công trình mới trên nền một kết cấu thất bại, tôi sử dụng hình ảnh những cánh nhạn bay từ núi. Đài tưởng niệm quay về hướng Đông – Bắc, tạo nên sự tiếp nối đến tương lai của hai thế hệ, tháp Chăm là thế hệ đi trước, đài tưởng niệm là thế hệ trẻ đi sau.
Đài tưởng niệm Núi Nhạn
Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Bắc Ninh được chắt lọc từ những tinh hoa của vùng đất và con người Kinh Bắc với khoa bảng, quan họ, các di tích kiến trúc cổ và danh nhân văn hóa lịch sử, cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Tất cả những điều đó đã được khắc họa vào công trình Đài tưởng niệm trong hình tượng bút – nghiên, bông sen đang hé nở.
Vũ Hiệp: Phần lớn những công trình mà bác thiết kế có vị trí rất “đắc địa”. Phải chăng đó là một lợi thế để chúng “dễ đẹp”?
KTS Lê Hiệp: Vị trí càng đắc địa thì thiết kế càng khó hơn. Với lại, đài tưởng niệm thì phải đặt ở chỗ trang trọng, hướng tầm nhìn; điều đó cũng dễ hiểu thôi. Có lần, khi tôi được mời thiết kế Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Bình Định nhưng vị trí lại ở gần ngay chỗ tụ thoát nước thải của thành phố. Tôi đã từ chối và bảo các anh lãnh đạo ở tỉnh phải tìm vị trí xứng đáng hơn. Làm cho các anh hùng liệt sĩ thì không tùy tiện được.
Vũ Hiệp: Sự nghiệp của bác gắn với đài tưởng niệm liệt sĩ hoặc nhà tưởng niệm danh nhân. Bác có thể chia sẻ điều gì thiết yếu nhất khi tạo ra một sự sống kiến trúc cho những con người nay không còn hiện hữu?
KTS Lê Hiệp: Trong Truyện Kiều có câu: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Tôi nghĩ rằng, thiết kế đài tưởng niệm tức là tạo ra nơi trú ngụ cho cái “tinh anh” mà cụ Nguyễn Du đã nhắc tới. Ngôn ngữ dành cho người đã khuất nên là hư hư thực thực, không là ai, cái gì, con gì, nhưng lại là một cái gì đó.
Vũ Hiệp: Là một kiến trúc sư “lão làng”, bác có gửi gắm gì cho thế hệ kiến trúc trẻ hiện nay?
KTS Lê Hiệp: Mỗi thời, mỗi khác. Quan niệm của tôi chưa chắc đã hợp với xu thế hiện nay, ví dụ như kiến trúc tre trúc chẳng hạn. Tôi chỉ có lời khuyên nhỏ cho các bạn trẻ là hãy quên đi các chủ nghĩa, các khái niệm “đương đại” hay “truyền thống”, chính cuộc sống hiện tại đã có những thứ đó rồi.
Bức vẽ chân dung KTS Lê Hiệp của TS.KTS Vương Hải Long – Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học kiến trúc Hà Nội
KTS Lê Hiệp:
Tên thật là Lê Đình Hiệp, sinh năm 1942 tại Thanh Hóa;
Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội khóa II, năm 1966;
1967 – 1994: Giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trong đó có thời gian được điều động sang Đại học Kỹ thuật Quân sự (1977-1983) để giảng dạy 2 khóa kiến trúc K12 –K13, sau đó là Trung tâm Tu bổ di tích (1989-1990) để thi công nội thất Bảo tàng Hồ Chí Minh;
1994 – 2002: Hành nghề tại công ty thiết kế thuộc Sở Nhà đất Hà Nội, tham gia thỉnh giảng tại các trường đại học đào tạo kiến trúc ở Hà Nội.
Các công trình tiêu biểu: Đài tưởng niệm Bắc Sơn (Hà Nội), Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Tuyên Quang, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, Nghĩa trang liệt sĩ Móng Cái, Đài tưởng niệm Núi Nhạn (Phú Yên), Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Bắc Ninh, Đền thờ Bác Hồ ở Pác Bó, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long)…
Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001), Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia các năm 1996, 1998, 2008, 2012, 2014.