Tham dự Hội thảo, về phía điểm cầu Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có Ngài Wojciech Gerwel - Đại sứ Cộng hoà Ba Lan tại Việt Nam; TS.KTS. Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cùng sự hiện diện của các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các Trường Đại học, các tổ chức trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ngài Đại sứ Cộng hoà Ba Lan tại Việt Nam - Wojciech Gerwel đã khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực bảo tồn di tích đã được thiết lập từ những năm 1980, với hình ảnh đẹp còn lưu lại là Kiến trúc sư Kazic với hoạt động tu bổ di tích Mỹ Sơn, Hội An và Huế. Trong thời gian tới, hai nước sẽ quyết tâm và tăng cường hơn nữa trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích để đạt được những mục tiêu mà hai bên đã đặt ra. Ba Lan cũng sẽ mở các lớp đào tạo, hướng dẫn cho các chuyên gia bảo tồn di tích của Việt Nam . Đại sứ quán Ba Lan cũng đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo của Ba Lan cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học đại học tại Ba Lan, đồng thời cử sinh viên Ba Lan sang Việt Nam để cùng chuyên gia Việt Nam nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn di tích. Đánh giá cao sự hợp tác của Ba Lan trong công tác bảo tồn, tu bổ di tích, di sản trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương tin tưởng rằng trong thời gian tới, mối quan hệ hợp tác bảo tồn di tích, di sản giữa Việt Nam - Ba Lan sẽ không ngừng được củng cố và tăng cường, qua đó góp phần cho sự thành công của công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích và di sản văn hóa Việt Nam. Thứ trưởng khẳng định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất quan tâm đến ý kiến của Ngài đại sứ về việc mở các khóa tập huấn đào tạo chuyên gia tu bổ di tích tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giao các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.
Điểm lại quá trình hợp tác Khoa học - Công nghệ và Giáo dục - Đào tạo giữa Việt Nam và Ba Lan, PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ghi nhận những công trình mà chuyên gia Ba Lan đã giúp Việt Nam từ sau ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950 đến nay… Trong những năm trở lại đây, chương trình hợp tác Ba Lan - Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc nổi bật trên các tạp chí khoa học Quốc tế có uy tín và hội thảo chuyên đề. Nhiều nhà khoa học Ba Lan sang Việt Nam đi thực địa và các nhà khoa học Việt Nam sang Ba Lan trao đổi khoa học. Bên cạnh đó là rất nhiều dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo đang được xúc tiến với mục tiêu sẽ là một thế hệ nhà khoa học với đẳng cấp EU và Quốc tế cho Việt Nam.Mỗi cá nhân đều cố gắng đem khoa học Ba Lan về Việt Nam và đem sinh viên Việt Nam sang Ba Lan để bước vào ngôi nhà khoa học Châu Âu và thế giới.
PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng cho biết: Hội thảo được tổ chức để tri ân những đóng góp to lớn của các chuyên gia Ba Lan và Việt Nam trong khôi phục và bảo tồn các công trình di sản đang bị đe dọa tại Việt Nam, cũng như những nỗ lực của họ trong việc đào tạo và giáo dục thế hệ chuyên gia bảo tồn tiếp nối. Hội thảo cũng là cơ hội chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quý báu về bảo tồn và công nghệ thu được trong các dự án nghiên cứu và trùng tu đã hoàn thành ở Ba Lan và Việt Nam.
Hội thảo bao gồm 3 phiên theo hình thức trực tuyến Kielce (Ba Lan) - Hà Nội.
Phiên 1: 40 năm hợp tác Ba Lan - Việt Nam về bảo tồn (14h00 – 17h30, ngày 11/10/2021)
Phiên 2: Bảo tồn các công trình kiến trúc tại Ba Lan, Việt Nam trong vòng 10 năm vừa qua. (13h45 – 15h45, ngày 12/10/2021)
Phiên 3: Ý tưởng, công nghệ, vật liệu mới trong bảo tồn các công trình lịch sử. (16h00 – 18h00, ngày 12/10/2021).
Ngài Wojciech Gerwel - Đại sứ Cộng hoà Ba Lan tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
TS.KTS. Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo