Tham dự hội thảo có GS. Drogoul Alexis - Trưởng đại diện Văn phòng IRD tại Hà Nội; các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến từ Mỹ, Pháp, Ấn độ, Ai Cập, Indonesia....
Về phía Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các giảng viên thầy cô giáo và sinh viên.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ các kết quả nghiên cứu hoạt động thu gom và tái chế rác thải chính thức và phi chính thức tại các siêu đô thị mới nổi như Mumbai (Ấn Độ), Surabaya (Indonesia), Ai Cập và đặc biệt là Hà Nội. Báo cáo viên là các nhà nghiên cứu, giảng viên, đại diện chính quyền địa phương và đặc biệt là cả người làm nghề thu gom và tái chế. Những kết quả nghiên cứu được công bố tại hội thảo sẽ góp phần cải thiện hoạt động thu gom, tái chế và giảm thiểu rác thải tại Hà Nội.
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nêu rõ: “Hiện trạng quản lý rác thải ở Việt Nam đang trở nên thực sự đáng lo ngại. Hiện nay, tại thành phố Hà Nội, khối lượng rác sinh hoạt tăng trung bình 15% một năm, tổng lượng rác thải tại Hà Nội lên tới hơn 6.000 tấn/ngày. Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, mỗi năm cần tới 235 tỉ đồng để xử lý. Nghiên cứu về rác dưới góc nhìn của các kiến trúc sư, nhà thiết kế cảnh quan, nhà quy hoạch là góc tiếp cận mới mẻ, đầy màu sắc cho lĩnh vực tưởng chừng chỉ dành riêng cho các kỹ sư…”
PGS.TS.KTS Lê Quân cũng cho biết: Dự án JEAI Recycurbs Viet do các giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội và Viện nghiên cứu phát triển IRD phối hợp thực hiện đã được triển khai nghiên cứu có hiệu quả với sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ Nhà trường, Đại sứ quán Pháp và Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF…
Hội thảo diễn ra trong 4 ngày với các tham luận, ý kiến thảo luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, sinh viên, học viên trong và ngoài nước xoay quanh các vấn đề như:
- Mối quan hệ giữa lĩnh vực chính thức và phi chính thức;Sự phân quyền một phần trong quản lý chất thải rắn như là một lựa chọn để quản lý tập trung các bãi chôn lấp chất thải rắn: Thành phố Surabaya (Indonesia) (Warma Dewanthi, Viện công nghệ Surabaya);
- Chất thải mới và mối liên hệ năng lượng (Xem xét lại sự hiện đại hóa dịch vụ chất thải rắn ở Delhi (Ấn Độ) (de Bercegol Rémi, CNRS, Gowda Shankare);
- Quản lý chất thải rắn ở Hà Nội: thách thức lớn của thành phố (Marie Lan Nguyen-Leroy et Cerise Emmanuel, PRX-Viet Nam);
- Người đồng nát từ góc nhìn của nhà quản lý, trường hợp phường Khương Thượng;
- Quá trình hình thành nghề tái chế và mối quan hệ với các nhà quản lý đối với một cơ sở xử lý thải rắn nhỏ ở Cairo (Romani Badir, xưởng tái chế nhựa Cairo);
- Chúng tôi không phải người nhặt rác: Xung đột, đàm phán và sự cố chấp của bộ phận phi chính thức - Trường hợp người thu gom rác tại Cairo ((Florin Bénédicte, Đại học Tours)…
Bên lề Hội thảo, cuộc triển lãm “Những không gian đồng nát năng động tại Hà Nội” cũng được tổ chức.
Sau Hội thảo, các đại biểu quốc tế đã đi tham quan thực tế các làng nghề tái chế như: Làng nghề tái chế nhựa (Minh Khai); Cụm làng nghề tái chế giấy (Phong Khê); Các điểm thu gom rác thải gần nhà ga Hà Nội, làng Triều Khúc, khu Văn Quán, Hà Đông…
PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo
GS. Drogoul Alexis - Trưởng đại diện Văn phòng IRD tại Hà Nội trình bày kết quả nghiên cứutại hội thảo