Tham dự và thuyết trình tại khóa học có TS. Sato Yoji - Chủ tịch Quỹ One Asia, Nhật Bản; TS. Trần Đức Lai - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; GS. Miwa Ota - Giảng viên cao cấp Đại học Chuo, Nhật Bản; GS. Yi Young Hyoun - Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul, Hàn Quốc; PGS.TS. KTS. Hoàng Vĩnh Hưng - Cục Phát triểm Đô thị, Bộ Xây dựng; GS. Kim Hyangsuk - Giảng viên cao cấp, Đại học Nihon, Nhật Bản; Th.S. Nicola Desiderio (Italia) - Giảng viên Đại học Kiến trúc; Th.S. Eytan Fichman (Hoa Kỳ) - Giảng viên Đại học Kiến trúc, GS. Haruka Kanou - Giảng viên cao cấp, Đại học Hitotubashi, Nhật Bản.
Về phía Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng; PGS.TS.KTS. Nguyễn Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng.
One Asia Foundation có tiền thân là một tổ chức phi Chính phủ của Nhật Bản được thành lập vào ngày 19/08/2003, đến ngày 21/12/2009 chuyển đổi thành quỹ nghiên cứu tư nhân. OAF có sứ mạng đóng góp vào việc hình thành “Một cộng đồng châu Á” (One Asia Community) trong tương lai thông qua các hoạt động hỗ trợ tài chính.
Sau thành công của Khóa 1 năm 2017 với 20 em được nhận học bổng, từ tháng 9 đến tháng 12/2018, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tiếp tục tổ chức khóa 2 “On cultural and environmental diversity in Asia 2018”. Khóa học đã cung cấp cho sinh viên những kiến thức bổ ích về đa dạng văn hóa và môi trường ở Châu Á. Sau 3 tháng với 15 buổi giảng của các giáo sư uy tín, các nhóm đã hoàn thành kế hoạch theo nội dung của khóa học đề ra. 20 sinh viên xuất sắc nhất đã được trao học bổng cuối khóa. Các sinh viên tham gia khóa học cũng được trao chứng chỉ của One Asia Foundation và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Phát biểu tại lễ bế mạc khóa học, PGS.TS.KTS. Nguyễn Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá cao khóa học và cho biết: Mục đích tài trợ của Quỹ OAF nhằm tạo ra một cộng đồng Châu Á hòa bình và thịnh vượng - nơi mọi người dân có thể sống hòa thuận với nhau, chia sẻ những ước mơ và hy vọng để hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Để hiện thực hóa sứ mệnh ấy, Quỹ OAF đã hỗ trợ hàng trăm trường đại học ở hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới tổ chức các khóa học hoặc nghiên cứu về cộng đồng châu Á trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, kỹ thuật và ngoại giao...
PGS. Nguyễn Tuấn Anh cũng cho rằng: Để hướng tới một cộng đồng chung Châu Á, việc trao đổi và chia sẻ các giá trị văn hóa giữa các nước trong khu vực là cần thiết cho qua trình hội nhập và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cũng từ đó tạo cho các em sinh viên cơ hội được mở rộng hiểu biết các vấn đề về sự đa dạng văn hóa và môi trường trong khu vực Châu Á cũng như cơ hội giao lưu học hỏi các nguồn thông tin mở từ các giáo sư hàng đầu trong nước và quốc tế với các lĩnh vực khác nhau, là nền tảng xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Quỹ One Asia.