Đại diện các nhóm nghiên cứu trình bày giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan vườn hoa Thanh niên
Tham dự buổi báo cáo, về phía Ủy ban nhân dân phường Yên Phụ có bà Phạm Thị Oanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc.
Về phía Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có: TS.TKS. Nguyễn Hoàng Minh - Phó trưởng Khoa Sau Đại học; TS.KTS. Nguyễn Thái Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế.
Dự buổi báo cáo còn có một số cán bộ phường Yên Phụ, các tổ trưởng tổ dân phố của 14 tổ dân phố trực thuộc phường Yên Phụ, thành viên thuộc các nhóm báo cáo của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Với mục đích nâng cao chất lượng các vườn hoa và đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi giải trí của nhân dân thành phố Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã triển khai nghiên cứu đề tài: “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan các vườn hoa công cộng khu vực nội đô lịch sử Hà Nội có sự tham gia của cộng đồng”. Trong khuôn khổ thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn Vườn hoa Thanh niên làm thí điểm để đề xuất ý tưởng và giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan có sự tham gia của cộng đồng.
Theo TS.KTS. Nguyễn Thái Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã phân công nhiệm vụ nghiên cứu, chuyên gia phối hợp bao gồm: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND Quận Hoàn Kiếm. Địa điểm thực hiện các nội dung đã tiến hành với quy mô 31/33 vườn hoa công cộng thuộc 05 Quận (Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa). Các vườn hoa này thuộc khu vực nội đô lịch sử (ranh giới được quy định tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050).
Mục đích nghiên cứu: Đánh giá thực trạng của các vườn hoa công cộng trong nội đô lịch sử; Đề xuất các giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan vườn hoa công cộng trong nội đô lịch sử có sự tham gia của cộng đồng.
Phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật thực hiện: Chia 5 nhóm, mỗi nhóm 4-5 thành viên thiết kế (phương án) đối với các hoạt động chính: điều tra, khảo sát, thí nghiệm, thực nghiệm; Rà soát tài liệu, bản vẽ, vẽ ghi trên thực địa, kiểm đếm, xác định hệ thống cây xanh đặc trưng của từng công viên, đánh giá ghi chép số liệu, chụp ảnh…
Giờ đây, chúng ta đang phải đối phó và thích ứng trước những tác hại của thời tiết do biến đổi khí hậu cùng với đại dịch Covid-19. Vì thế, hơn lúc nào hết, các không gian công cộng trong thành phố như cây xanh, công viên, vườn hoa, sông hồ mặt nước... rất cần được đầu tư chăm sóc, không chỉ để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân, nâng cao chất lượng sống mà còn là để phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững. Những nghiên cứu này cũng tạo tiền đề biến Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo Kiến trúc hiện đại mang tầm cỡ khu vực và Quốc tế.
Sau thời gian làm việc hiệu quả với sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học, UBND phường Yên Phụ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cùng các cơ quan, sở ban ngành, kết quả nghiên cứu của học viên được tổ chức báo cáo tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Thể thao phường Yên Phụ đã thành công tốt đẹp với những kết quả hứa hẹn được áp dụng vào thực tế trong thời gian tới.
Người dân các tổ dân phố tìm hiểu các phương án được đưa ra
Ông Phạm Ngọc Sơn - Công chức văn hóa thông tin phường phát biểu tại buổi Báo cáo